BẾN TRE PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH GẮN VỚI BẢO TỒN GIÁ TRỊ DI SẢN VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA

Nhằm góp phần đưa du lịch các huyện vùng biển thuộc tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển,
ngày 28 – 4 -2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre; ngành Viễn thông Bến Tre và Uỷ ban Nhân dân huyện Thạnh Phú tổ chức hội thảo chủ đề “Phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre” tại Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Hội thảo nằm trong chuỗi Tuần lễ “Văn hóa – Thể thao – Du lịch biển Thạnh Phú năm 2023” diễn ra từ ngày 27-4 đến 2-5-2023 tại huyện Thạnh Phú- Bến Tre.


Du lịch Bến Tre tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại
Tham dự Hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ các vấn đề lý luận thực tiễn, từ đó mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại nhằm phát huy tiềm lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển bền vững hoạt động du lịch, gắn kết phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu bản địa, tiến tới xây dựng thương hiệu địa phương hướng đến một Bến Tre xanh và phát triển bền vững. Về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đơn vị đồng hành, đã chủ trì thẩm định và biên soạn thành công Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tập hợp 54 bài tham luận với trên 500 trang, xoay quanh các chủ trương, định hướng phát triển du lịch thông minh; Bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch; Giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay; Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế với phát triển du lịch; Giải pháp phát triển các điểm đến, sản phẩm du lịch bản sắc, độc đáo gắn với các giá trị văn hoá bản địa; Các giải pháp quản trị và phát triển kinh tế số du lịch, gắn kết du lịch – thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông thủy sản địa phương; Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với du lịch thông ninh, du lịch nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua hội thảo, ngành du lịch tỉnh Bến Tre cần tăng cường tạo mối liên kết hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hiệp hội/tạp chí du lịch ở Tp. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để đem lại nhiều lợi ích cho tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cũng như thực hiện các hoạt động văn hóa – xã hội khác. Xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết ấy, trong chuỗi Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Biển Thạnh Phú năm 2023 đã có 9 biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các đơn vị, đối tác ký kết, tập trung vào việc phối hợp thực hiện hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre.


Đây cũng là dịp để huyện Thạnh Phú nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long giới thiệu những điểm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương đến với du khách, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các tổ chức kinh doanh du lịch, thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, qua đó giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch biển Thạnh Phú để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh
Đặc biệt, một vấn đề nổi bật được đặt ra tại hội thảo lần này là phát triển du lịch theo hướng thông minh. Trong những năm gần đây, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin – truyền thông đã tạo sức bật cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, cũng từ đó khái niệm “du lịch thông minh” được hình thành và dần dần trở nên phổ biến. Ở Bến Tre, có khoảng 90% đơn vị kinh doanh du lịch ứng dụng công nghệ 4.0 vào chiến lược quảng bá, truyền thông hình ảnh dịch vụ, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và của địa phương; tích cực đầu tư xây dựng, thiết kế và chỉn chu các trang facebook, zalo, instagram, tiktok… để giới thiệu, quảng bá. Điều này đã dần dần thu hút đến mọi đối tượng người xem, chuyển từ ý thích đi du lịch thành hành động quyết định đi du lịch để khám phá, trải nghiệm và được “chạm” vào thực tế các sản phẩm du lịch. Đồng thời, dịch vụ ứng dụng du lịch thông minh cũng được đặc biệt quan tâm, đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của khách du lịch trong giai đoạn mới. Hầu hết các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí đều có wifi miễn phí.


Các điểm tham quan đều dựa vào nền tảng dữ liệu số phục vụ phát triển du lịch số, kết hợp với thương mại điện tử để hướng tới một ngành kinh tế thông minh phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đang triển khai và đưa vào vận hành Ứng dụng du lịch thông minh nhằm đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào các sản phẩm du lịch của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội bền vững, tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng: du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Trong tham luận phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Thị Ngàn- Trường Đại học Nguyễn Tất Thành- nhấn mạnh: Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam phát triển đột phá. Khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019, đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là tốc độ tăng rất cao so với mức tăng bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2011-2015 và là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc. Khách nội địa đã tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng bình quân 10,5%/năm. Đóng góp trực tiếp của du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP): năm 2015 là 6,3%, đến năm 2019 là 9,2%, tăng 2,9 điểm phần trăm. Tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm yếu về sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá… Vì vậy, phát triển du lịch thông minh sẽ góp phần hạn chế và khắc phục những điểm yếu này. Du lịch thông minh góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing du lịch số; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến; thay đổi phương thức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch thông qua phát triển các ứng dụng quản lý điểm đến du lịch, các doanh nghiệp, hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú; hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
Chúng ta không thể phủ nhận Du lịch thông minh đã giúp ngành du lịch khởi sắc rất nhiều nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ mà ngành du lịch và cả chính quyền phải tập trung giải quyết đồng bộ để đem đến một tương lai xán lạn cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Phù Việt Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *