Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện văn hóa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam, nửa cuối năm 2023, Viện Pháp tại Việt Nam sẽ tiếp nối chương trình bằng Mùa 2: Mùa thời trang và Thiết kế.
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pháp tại Việt Nam cùng nhiều đối tác Pháp và Việt Nam tổ chức trên khắp cả nước nhiều sự kiện vô cùng phong phú, hấp dẫn, thuộc nhiều thể loại: tọa đàm, triển lãm, chương trình biểu diễn, hòa nhạc, biểu diễn thời trang, festival ẩm thực, văn hóa… nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong nửa đầu năm 2023, mùa 1 với chủ đề “ẩm thực” đã diễn ra vô cùng thành công với nhiều sự kiện thú vị và bổ ích như toạ đàm về những giao thoa, ảnh hưởng giữa ẩm thực Pháp và Việt Nam, về rượu vang, lịch sử bánh mì, ẩm thực ngoại giao, cà phê và ca cao… Qua chuỗi các hoạt động này khán giả đã có dịp hiểu thêm về tinh hoa ẩm thực Pháp, gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng cũng như các chuyên gia để cùng thảo luận, chia sẻ niềm đam mê chung về ẩm thực của cả hai quốc gia.
Đến với mùa 2, Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tôn vinh nghệ thuật sống của Pháp với những dấu ấn sâu sắc trong nền văn hóa Việt Nam, thông qua chủ đề “Thời Trang và Thiết Kế”.
Mùa Thời trang & Thiết kế : Từ tháng 6 đến tháng 12, Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Thời trang và Thiết kế” với các đối tác Pháp tầm cỡ: các hãng thời trang và nước hoa lớn của Pháp, Viện Thời trang Pháp, Liên đoàn Pháp về Thời trang và Haute Couture… Tất cả những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang của Pháp, trong mảng đào tạo cũng như ngành công nghiệp sáng tạo, sẽ có mặt tại Việt Nam.
Khởi đầu bằng Tọa đàm “Vietnam Fashion” vào tháng 9, với nội dung “Dấu ấn Pháp trong thời trang Việt”, qua đó, công chúng có dịp được biết về lịch sử và hành trình phát triển của thời trang Việt Nam, cũng như ảnh hưởng của Pháp đối với lĩnh vực này, từ việc hiện đại hóa trang phục truyền thống của phụ nữ (Áo dài) đến các nhà thiết kế lớn ngày nay.
Nối tiếp vào tháng 11 với Tọa đàm “Thời trang bền vững” và “Thời Trang Xanh”, đề cập đến các vấn đề về thời trang bền vững toàn cầu, tầm quan trọng của vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thiết kế sinh thái, vai trò thúc đẩy của các Công ty Pháp trong lĩnh vực này, các xu hướng tiêu dùng tốt cần phổ biến tại Việt Nam.
Khép lại chuỗi tọa đàm vào tháng 12 với nội dung “Mùi hương & Nhà sáng chế”, với các trao đổi về lịch sử, sự ảnh hưởng của nước hoa Pháp trên thế giới, các câu hỏi về ngành nghề và đào tạo liên quan đến lĩnh vực nước hoa và cuối cùng là sự phát triển của nước hoa ở thị trường Việt Nam.
Đi kèm chuỗi tọa đàm là Liên hoan phim thời trang Pháp diễn ra từ ngày 16 – 19 tháng 11. Những bộ phim về chủ đề thời trang, nước hoa vô cùng đa dạng sẽ được trình chiếu tại IDECAF với phụ đề tiếng Việt. Một vài tựa phim sẽ được trình chiếu như “Les Trésors de la Parfumerie française”, “Cartier, la petite boîte rouge”, “Isabel Marant, naissance d’une collection”, “Jean-Paul Gaultier, défilé”, “Qui êtes-vous, Polly Maggoo ?, de William Klein”, “Haute Couture, de Sylvie Ohayon”…
Từ tháng 6 đến tháng 10, Cuộc thi “Fashion in Paris” được tổ chức dành cho các tài năng trẻ trong ngành thiết kế thời trang của Việt Nam. Ban giám khảo của cuộc thi bao gồm những tên tuổi lớn của làng thời trang Pháp – Việt chọn ra 8 thí sinh xuất sắc nhất cho vòng chung kết. Đêm chung kết sẽ là một buổi trình diễn thời trang tại Dinh thự Pháp, tại đó mỗi thí sinh sẽ trình bày ý tưởng của mình đến ban giám khảo. Phần thưởng dành cho thí sinh đoạt giải sẽ là một chuyến tu nghiệp về thời trang cao cấp tại Paris vào năm 2024 với tất cả các chi phí được tài trợ.
Vào tháng 10, sẽ diễn ra Đêm thời trang, một sự kiện đặc sắc để các tín đồ thời trang cùng các chuyên gia đắm mình trong ngành thời trang cao cấp của Pháp. Xuyên suốt đêm sự kiện sẽ là những tiết mục trình diễn thời trang xen kẽ với những bài chia sẻ của chuyên gia về các chủ đề thời trang khác nhau: ngành thời trang cao cấp của Pháp, sự phát triển của thị trường Việt Nam đối với các ngành hàng xa xỉ Pháp, các ngành đào tạo về thời trang tại Pháp, sự chuyển đổi số trong lĩnh vực thời trang ở Pháp và ở Việt Nam…
Xuân Hòa