Giá dầu, cao su, đường, đậu tương tiếp tục tăng khá mạnh trong phiên vừa qua. Trái lại, giá vàng, sắt thép… giảm nhanh.
Dầu tăng 2% do OPEC nỗ lực tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên vừa qua do OPEC và các đồng minh cho biết nhóm này sẽ xử lý nghiêm đối với những quốc gia không tuân thủ việc cắt giảm sản lượng và dự định sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào tháng 10 tới nếu thị trường dầu giảm giá thêm nữa.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 1,08 USD, hay 2,56%, lên 43,30 USD/thùng; dầu Tây Texas (Mỹ) tăng 81 US cent (2,02%) lên 40,97 USD/thùng.
Nhóm các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Saudi Arabia và Nga, đã không đề xuất bất kỳ thay đổi nào về mục tiêu giảm sản lượng hiện tại, là 7,7 triệu thùng/ngày (tương đương 8% nhu cầu dầu toàn cầu).
Thông tin về OPEC đã làm lu mờ việc các cơ sở sản xuất ngoài khơi nước Mỹ khởi động sản xuất trở lại sau khi bão Sally đi qua. Hoạt động sản xuất dầu ở khu vực này (tương đương mức sản lượng gần 500.000 thùng/ngày) đã tạm dừng 5 ngày do bão.
Vàng đi xuống vì giảm kỳ vọng vào gói kích thích bổ sung của Mỹ
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tuần, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) làm tiêu tan hy vọng của các nhà đầu tư về việc Mỹ sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.943,87 USD/ounce vào cuối phiên, trước đó có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/9 là 1.932,36 USD; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 1,1% xuống 1.949,90 USD/ounce.
Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của công ty TD Securities, cho biết: “Mặc dù thực tế thái độ của FED trong kỳ họp vừa qua là khá ôn hòa, nhưng có vẻ như đối với thị trường vàng, điều đó vẫn chưa đủ. Đã xuất hiện một số lo ngại rằng nếu không có những gói kích thích kinh tế mới thì vàng sẽ ít có động lực để tăng giá thêm”.
FED đã cam kết duy trì lãi suất 0% cho đến khi lạm phát “bật lên” để hướng đến mục tiêu 2%. Tuy nhiên, FED cũng tuyên bố rằng họ mong đợi sự phục hồi kinh tế nhanh hơn dự báo trước đó, với tỷ lệ thất nghiệp tháng 6/2020 đã giảm nhanh hơn dự kiến.
Đồng vững giá
Giá đồng tương đối ổn định trong phiên giao dịch vừa qua, giữa bối cảnh thị trường việc làm của Mỹ có dấu hiệu tốt lên.
Trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,1% lên 6.786 USD/tấn vào lúc đóng cửa. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn sát mức cao nhất 2 năm là 6.830 USD/tấn chạm tới hôm 1/9.
Quặng sắt thấp nhất 7 tuần
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm phiên thứ 3 liên tiếp do triển vọng nguồn cung tiếp tục được cải thiện và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thép ở Trung Quốc không mạnh như dự kiến.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kết thúc phiên vừa qua giảm 2,7% xuống 790 CNY (116,67 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 31/7. Trên sàn Singapore, khoáng sản này cũng giảm 2,5% xuống 116,65 USD/tấn, thấp nhất kể từ 31/8.
Khối lượng quặng sắt nhập khẩu lưu tại các cảng biển Trung Quốc trong tuần qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 4, theo SteelHome. Còn theo số liệu của Refinitiv, quặng lượng đang lưu tại cảng Hedland (Australia) để xuất sang Trung Quốc tăng 5,2% lên 40,2 triệu tấn trong tháng 8/2020 so với tháng trước đó.
Những lo ngại về nguồn cung khan hiếm đã giảm bớt khi hãng khai thác mỏ Vale SA của Brazil có kế hoạch tăng công suất sản xuất quặng hàng năm lên 450 triệu tấn, từ mức 318 triệu tấn hiện nay.
Thép giảm giá
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 1/2020) giảm 10 CNY (khoảng 1,48 USD) xuống 3.577 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 24 CNY xuống 3.687 CNY/tấn.
Thị trường dự đoán nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ mạnh trong mùa Hè này, nhưng thực tế đã không như vậy.
Đậu tương cao nhất hơn 2 năm, ngô và lúa mì cũng tăng
Giá đậu tương kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc. Giá ngô và lúa mì cũng đồng loạt đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 17-1/4 US cent lên 10,28-1/2 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt 10,32-1/4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Giá ngô kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 3-1/2 US cent lên 3,75-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 14-1/4 US cent lên 5,56-1/4 USD/bushel.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 10 ngày qua, Mỹ đã bán 260.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và 360.500 tấn cho địa chỉ không xác định.
Tại các thị trường khác, giá lúa mì cũng đang tăng. Trong ngày 16/9, Ai Cập – nhà nhập khẩu lúa mì lớn trên thế giới – đã đặt mua 235.000 tấn lúa mì Nga và Ba Lan với giá cao hơn từ 8 đến 10 USD/tấn so với giá trả tại cuộc đấu thầu quốc tế trước đó của chính Ai Cập (hôm 3/9).
Giá đường cao nhất 2 – 4 tuần
Giá đường tăng phiên thứ 3 liên tiếp, lên mức cao nhất 2 tuần giữa bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh đối với đường tinh luyện, và do giá dầu tăng.
Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,27 US cent (2,2%) lên 12,62 US cents/lb, cao nhất trong vòng 2 tuần; đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 10,2 USD (2,8%) lên 368,20 USD/tấn, cao nhất trong vòng một tháng.
Các thương gia cho biết nhu cầu đường trắng đã tăng trở lại, dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua hàng physical đang ở mức cao. Đồng real Brazil đang ở mức giá cao nhất so với USD kể từ tháng 7 và lượng đường các nhà máy bán ra qua các hợp đồng kỳ hạn tương lai trên sàn New York giảm cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8 do thời tiết ở Brazil chuyển hướng tốt lên.
Kết thúc phiên, arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1,85 US cents, hay 1,5%, xuống 1,18 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 5 USD (0,4%) xuống 1.387 USD/tấn.
Arabica đã mất khoảng 10% giá trị trong tuần này do dự báo Brazil sẽ có mưa, thuận lợi cho cây cà phê phát triển trong niên vụ 2021. Đây là cơ sở để Citi dự báo nguồn cung cà phê thế giới sẽ dư thừa trong vụ 2020/21.
Tại Châu Á, giá cà phê ở Việt Nam tuần này vững do nguồn cung không còn nhiều trước khi đến vụ thu hoạch mới, nhưng nhu cầu yếu hạn chế đà tăng giá.
Tại khu vực Tây Nguyên, người trồng cà phê bán loại nhân xô giá 34.200-34.500 đồng (1,47- 1,49 USD)/kg, so với mức 34.000-34.500 đồng cách đây một tuần; cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá cộng 70 – 80 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 11 trên sàn London.
Reuters dẫn lời một thương gia Việt Nam cho hay, cả cung và cầu lúc này đều rất thấp, và các thương lái có tâm lý chờ đợi đến vụ thu hoạch mới (sắp đến), giữa bối cảnh lượng cà phê người trồng đang tích trữ còn rất ít.
Tại Indonesia, theo nguồn tin Reuters, một thương gia báo mức cộng giá cà phê robusta Sumatra ở tỉnh Lampung hiện vững ở mức 20-50 USD/tấn như cách đây một tuần (đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 11), trong khi đó một thương gia khác báo mức cộng tăng lên 160 USD/tấn, từ khoảng 150 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá cao su lập đỉnh 2 tuần
Giá cao su kỳ hạn tương lại trên thị trường Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nâng dự báo về triển vong nền kinh tế nước này.
Tại sàn Osaka, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,7 JPY (0,4%) lên 185,3 JPY/tấn, cao nhất kể từ 2/9. Tuy nhiên, trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 0,3% xuống 12.360 CNY/tấn.
Trong thông báo vừa phát đi, BOJ cho biết: “Kinh tế Nhật Bản vẫn tổn thương nghiêm trọng do Covid-19, nhưng hoạt động kinh doanh đã bắt đầu hồi phục dần”.
Dầu thực vật tăng, dầu cọ cao nhất 8 tháng
Giá dầu thực vật trên thị trường Châu Á đồng loạt tăng. Tại Malaysia, dầu cọ kỳ hạn giao sau đạt mức cao nhất 8 tháng, trong khi đó tại Trung Quốc, giá mặt hàng này cũng tăng bởi nhu cầu mạnh khi nước này sắp bắt đầu tuần lễ hội quan trọng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu cọ kỳ hạn tháng 12 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 67 ringgit (2,3%) lên 2.976 ringgit (719,36 USD)/tấn, là phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Trước đó, lúc đầu phiên vừa qua, giá hợp đồng này đã tăng 3,06% lên 3,002 ringgit, cao nhất kể từ ngày 15/1.
Thị trường đã đóng cửa vào thứ Tư để nghỉ lễ.
Xu hướng tăng xuất phát từ nhu cầu mạnh ở Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – trước Tết Trung thu và Tuần lễ vàng (từ 1 đến 10/10). Giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 2,72% trong phiên vừa qua, trong khi dầu cọ tăng 1,96%.