NGẨN NGƯỜI TRƯỚC CÁC BẢO TÀNG Ở SINGAPORE

Đến với Đảo quốc Sư tử lần này, chúng tôi dành nhiều thời gian để khám phá các Bảo tàng ở Singapore và ngẩn người thán phục.

                                                                                        Bảo tàng ArtScience
* Bảo tồn, tái tạo ngoạn mục
Điểm đến chúng tôi dừng chân đầu tiên là Bảo tàng Quốc gia Singapore – một địa chỉ hấp dẫn dành cho những người yêu văn hóa và đam mê lịch sử. Thật tự hào khi đây là nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Singapore và Đông Nam Á lớn nhất thế giới.

Theo hướng dẫn viên nổi tiếng tại Singapore – cô Cindy Thanh Tuyền – thì chính quyền Singapore đã quyết định táo bạo khi biến hai di tích quan trọng nhất của Singapore là Tòa án Tối cao cũ và Tòa thị chính thành một tổ hợp nghệ thuật thị giác lớn, tạo ra một thiết kế ngoạn mục ở trung tâm thành phố. Bảo tàng Quốc gia Singapore được xem như sự hợp nhất các tòa nhà lịch sử một cách trân trọng, một dự án tái tạo, bảo tồn hết sức hợp lý, ngoạn mục để mang đến cho du khách trải nghiệm về các bộ sưu tập, các di tích và những công trình phụ trợ xung quanh.

                                                                         Thiết kế của Bảo tàng Quốc gia Singapore là Kiểu mới                                                                        Được đưa vào sử dụng cuối năm 2015 với diện tích hơn 64.000 m2, Bảo tàng Quốc Gia Singapore được đánh giá là một trong những dự án kiến trúc đặc biệt nhất châu Á, biểu tượng của thế kỷ 21 với những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực văn hóa.

                                                                                      Tranh ở Bảo tàng Singapore
Bước chân vào đây, chúng tôi như lạc vào một không gian tràn ngập ánh sáng với thiết kế đặc trưng. Toàn bộ mái cấu trúc bằng kim loại và kính trong suốt như pha lê tuyệt đẹp, được các cột trụ giống như cây thép hỗ trợ, bao phủ nhẹ nhàng để giữ nguyên vẹn kiến trúc của di tích. Không gian thoáng đãng, đẹp mắt trên mái nhà đem đến cho chúng tôi những góc nhìn mới về các tòa nhà cũng như cảnh quan biển và xung quanh thành phố. Sự sắp đặt mọi vật phẩm trưng bày trong bảo tàng đều hết sức nghệ thuật, biến từng góc nhỏ nơi đây trở thành điểm check- in “sống ảo” đầy gợi cảm cho du khách. Chúng tôi đã say mê khám phá nhiều bộ ảnh tuyệt tác, ghi lại dấu ấn đặt chân hình thành đảo quốc từ những ngày đầu dựng nước; từ lối sống, văn hoá đặc trưng, mọi thời kỳ phát triển. Ở đó còn rất nhiều bức tranh quý giá được những tác giả tên tuổi, các chính khách, người nổi tiếng trong và ngoài nước đề tặng bảo tàng, được lưu giữ một cách trân trọng. Không chỉ thế, nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của các quốc gia Đông Nam Á và thế giới cũng góp mặt tại Bảo tàng, làm phong phú, đa dạng thêm cho bộ sưu tập văn hoá. Cũng khuôn viên Bảo tàng, chúng tôi có cơ hội bước sang Tòa thị chính và Toà án Tối cao cũ để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của những kiệt tác nghệ thuật này.

                                                                                    Tranh ở Bảo tàng Singapore
Một bảo tàng hiện đại và rộng lớn, đẹp về kiến trúc, phong phú về tư liệu trưng bày đã khiến chúng tôi đi gần nửa ngày mà vẫn không khám phá hết. Biết đến bao giờ Việt Nam có được một bảo tàng như vậy?
* Đưa đỉnh cao công nghệ vào bảo tàng
Nếu Bảo tàng quốc gia Singapore dù hiện đại nhưng vẫn giữ thiết kế truyền thống thì Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật lại là đỉnh cao của công nghệ và hoạt hình 3D. Chính những đường nét nổi bật và thiết kế lấy cảm hứng từ hoa cỏ đã đưa Bảo tàng khoa học Nghệ thuật thành một tác phẩm đầy cảm hứng cho khách tham quan.
Chúng tôi đến đây vào thời điểm diễn ra triển lãm mới nhất của Bảo tàng ArtScience mang tên Sensory Odyssey: Into the Heart of Our Living World và được bước vào một hành trình đa giác quan qua thế giới tự nhiên. Được tổ chức bởi ArtScience Museum và BASE Entertainment Asia, triển lãm này do Sensory Odyssey Studio phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp ở Paris thực hiện. Buổi ra mắt châu Á năm 2023 của triển lãm này tại ArtScience Museum đã đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến tham quan toàn cầu. Hành trình đột phá này đã cho chúng tôi nhìn, nghe, ngửi và cảm nhận thiên nhiên thông qua những lát cắt cận cảnh để khám phá sự đa dạng sinh học phong phú cùng các loài động vật, sinh vật, côn trùng cư trú trên bảy môi trường sống độc đáo – từ các hồ muối của thảo nguyên và Bắc Cực, đến rừng mưa nhiệt đới, trong mỗi tán cây, từ dưới lòng đất đến đại dương bao la. Không mê mẩn sao được khi chúng tôi được bước vào một khu rừng thực tế, thông qua công nghệ, để hoà cùng mùi hương của cây cối, hít thở vị ngọt của đất trời, lắng nghe tiếng côn trùng, chim muông… ríu rít xung quanh. Qua những thước phim sống động, chúng tôi hiểu được đời sống của mọi sinh vật xung quanh ta, để hiểu được hệ sinh thái này là một thể thống nhất, không tách rời nhau được. Chỉ cần một phần “thân thể” này “bệnh hoạn”, suy yếu sẽ ảnh hưởng đến những phần còn lại. Bảo tàng sống động này còn dành một khu vực để kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ mọi nguồn nước, sinh vật tồn tại quanh ta để giữ gìn một hệ sinh thái bền vững.
Trong thời gian chúng tôi tham quan, tại Bảo tàng đang diễn ra Triển lãm “Future World: Where Art Meets Science” với sự cộng tác của teamLab, một tập thể các nghệ sỹ nghệ thuật quốc tế nổi tiếng. Chúng tôi đã bước vào hành trình khám phá thú vị qua hai phần: Thành phố trong khu vườn và Khám phá những biên giới mới để đắm chìm trong thế giới nghệ thuật, khoa học, ma thuật và hiện thực hóa trí tưởng tượng thông qua các tác phẩm sắp đặt tương tác kỹ thuật số.

                                                                                                 Tranh Van Gogh
* Triển lãm Van Gogh: đỉnh cao nghệ thuật
Có lẽ may mắn nhất của chúng tôi trong chuyến đi này là được chiêm ngưỡng hơn 300 tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ Van Gogh, được CNN xếp hạng là một trong 12 trải nghiệm tuyệt vời nhất. Triển lãm do H&B phối hợp cùng Exhibition Hub, Fever và Resorts World Sentosa tổ chức.

                                                                                                Tranh Van Gogh
Tại đây, các bức tranh của Van Gogh được biến thành những video chuyển động, kết hợp cùng âm nhạc hóa thành một bộ phim sôi nổi. Các tác phẩm được chiếu lên bốn mặt tường với công nghệ trình chiếu mapping 360º tạo thành một vũ trụ khiến người xem phải đắm chìm bên trong. Từ bầu trời đầy sao trong bức họa Starry Night cho đến bức họa hoa hướng dương Sunflowers, tất cả được chuyển thể thành một không gian đầy màu sắc. Ban tổ chức còn lắp đặt ghế và nệm để du khách tham quan có thể thoải mái ngồi nằm như đi picnic trong nhà.
Gần nửa ngày tha thẩn trong triển lãm, chúng tôi đã có dịp khám phá cuộc sống, công việc và những bí mật trong cuộc đời của ông, một thiên tài đau khổ khi phải sống nhiều năm trong bệnh tật, nghèo đói trước khi qua đời ở tuổi 37.


Van Gogh sinh năm 1853 ở miền Nam Hà Lan, là con trai của một mục sư. Năm 1869, ông làm nhân viên của một công ty kinh doanh nghệ thuật quốc tế. Công việc đưa ông đến nhiều thành phố khác ở châu Âu như London, Paris. Ông từng làm giáo viên, nhà truyền giáo trước khi bắt đầu theo đuổi hội họa năm 27 tuổi. Là tấm gương chăm chỉ, kiên trì với việc tự học, chỉ trong 10 năm, họa sĩ để lại hơn 900 bức tranh. Phong cách của ông chịu ảnh từ trường phái Ấn tượng, với các nghệ sĩ như Degas, Toulouse-Lautrec, Pissarro và Gauguin.
Sáng tác nhiều nhưng ông không bán được tác phẩm, phải sống dựa vào em trai với mức sống khá cao. Tuy nhiên, ông gặp khó khăn vì thường xuyên nhịn ăn để mua đồ vẽ đắt tiền. Tác phẩm duy nhất ông bán được sinh thời là Vườn nho đỏ ở Arles, với giá 400 franc Bỉ. Ngoài ra, họa sĩ từng nhiều lần đổi tranh cho một số người họ hàng xa để lấy nhu yếu phẩm, họa cụ.

Về cuộc sống riêng tư, Van Gogh cũng gặp đầy trắc trở trong tình trường. Khi mới 19 tuổi, ông đã bị từ hôn. Sau đó Van Gogh phải lòng nhiều người phụ nữ, nhưng đều bị khước từ. Sau những mối tình bất thành, họa sĩ bắt đầu thu mình, có nhiều hành động lạ. Nhưng ông lại tiếp tục lao vào con đường tình ái với những phụ nữ không lành mạnh, thậm chí với cả người mẫu nổi tiếng ở Paris.
Ngoài chuỗi dài thất bại trong tình yêu, ông gặp cú sốc lớn khi bất hòa đồng nghiệp Gauguin sau khi hai tư tưởng lớn Van Gogh – Gauguin hình thành Xưởng vẽ Arles. Ban đầu, hai người làm việc rất ăn ý nhưng dần dà nảy sinh mâu thuẫn. Van Gogh tỏ ra dị ứng với chủ nghĩa biểu tượng trong khi Gauguin rất trung thành với lối vẽ của mình. Sau gần 10 tuần cộng tác, họ cãi nhau rồi chia tay. Có lẽ vì sự cố này mà Van Gogh cắt bỏ tai của mình. Những ngày cuối đời, ông tự nguyện điều trị tại nhà thương điên ở vùng Saint-Rémy-de-Provence (Pháp). Thời gian này, ông vẽ nhiều kiệt tác, trong đó có bức Đêm đầy sao.
Ông tự kết thúc cuộc đời vào năm 1890 ở tuổi 37, sau nhiều năm chịu đựng các căn bệnh liên quan sức khỏe tinh thần. Trong bức thư gửi cho một người bạn năm 1889, ông viết: “Tâm tưởng tôi chẳng mấy khi thoải mái, có lẽ do cả cuộc đời tôi chưa bao giờ hưởng một giây phút bình yên. Những gì tôi có chỉ là thất vọng cay đắng, điều này bao trùm toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tôi”.
Khi chết, Van Gogh vẫn chỉ là một họa sĩ không mấy tên tuổi tại châu Âu, nhưng đến nay, tranh của ông nằm trong số các tác phẩm mỹ thuật đắt giá nhất thế giới. Một số bức nổi tiếng của danh họa gồm Hoa hướng dương, Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự họa, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì, Hoa diên vĩ…
Kết thúc hành trình khám phá Singapore theo cách riêng của mình, chúng tôi thầm thán phục một đất nước nhỏ bé về diện tích, nhưng những câu chuyện họ kể cho toàn thế giới nghe thì thật vĩ đại, xứng đáng là “con rồng châu Á”!

Xuân Hoà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *