MV “Cuối Tuần (1825) vừa ra mắt đã khiến khán giả hào hứng với giai điệu vui tươi, cùng phần hình ảnh mãn nhãn được quay hoàn toàn tại Singapore. “Cuối Tuần (1825)” không chỉ là một sản phẩm âm nhạc, mà còn là lời tâm sự của Hoàng Dũng về hành trình theo đuổi đam mê của anh trong 10 năm hoạt động nghệ thuật. Qua từng thước phim và câu hát, anh gửi gắm những chiêm nghiệm của mình về câu chuyện “Đam mê đích thực không bao giờ dừng lại”, từ đó lan tỏa nguồn năng lượng tươi sáng và tích cực đến khán giả. Trong bài viết này, Hoàng Dũng có dịp chia sẻ nhiều hơn về suy nghĩ của anh khi thực hiện “Cuối Tuần (1825)” và trải nghiệm lần đầu tiên thực hiện dự án cá nhân ở nước ngoài.
Ca khúc “Cuối Tuần (1825)” đến với Hoàng Dũng như thế nào. Anh muốn truyền tải thông điệp gì qua MV ?
Hoàng Dũng viết “Cuối tuần (1825)” trong khoảng thời gian bận rộn với guồng quay công việc. Những người làm công việc freelance như Dũng thường không có khái niệm “cuối tuần” – khi mọi người chủ động ngày làm việc và nghỉ ngơi của mình. Dũng muốn qua bài hát này truyền thông điệp về cuộc sống cân bằng cho những người freelancer, rằng những phút nghỉ ngơi cũng rất quan trọng.
“1825 ngày thứ hai” thực chất là phép ví von của Hoàng Dũng về những ngày làm việc không ngừng nghỉ. Trong những ngày đó, Dũng hay nói đùa với bạn bè của mình rằng sáng nào tỉnh dậy cũng thấy giống như hôm nay là Thứ Hai vậy. Dũng đã có 1825 ngày thứ Hai như thế.
National Gallery SingaporeCâu chuyện “Đam mê đích thực không bao giờ dừng lại” được lồng ghép và thể hiện như thế nào trong MV âm nhạc lần này? Và chủ đề trong MV lần này có mối liên hệ như thế nào với hành trình nghệ thuật của anh ?
Dũng có may mắn được làm công việc mà mình đam mê, và Dũng tin là nhiều người cũng mong muốn có được điều đó. Trong MV “Cuối tuần (1825)”, chúng ta có thể thấy các nhân vật đều đang thực hiện công việc với nụ cười trên môi, thậm chí đúng với nhân vật đang “đi trốn” là chính Hoàng Dũng. Nếu như không phải là vì đam mê thì khó có lý do nào có thể giữ họ ở trong trạng thái đó.
Đối với Hoàng Dũng cũng không ngoại lệ. Dũng luôn tâm niệm rằng một công việc bền vững phải được làm bằng trái tim, và việc tận hưởng công việc chính là chìa khoá để giúp mỗi người trong chúng ta gắn bó và tạo ra giá trị từ công việc của mình. Việc Dũng theo đuổi con đường là một singer & songwriter rất đúng với tâm niệm này, và Dũng rất yêu quyết định ấy của mình trong suốt gần 1 thập kỷ qua.
Trong MV xuất hiện 3 nhân vật gồm The Gallery Docent (Hướng dẫn viên bảo tàng – quá khứ), The Cook (Đầu bếp – hiện tại) và The Designer (Nhà thiết kế – tương lai). Anh muốn kể câu chuyện gì qua 3 nhân vật này ?
Phải dành một lời cảm ơn tới ekip The Tripod Guys và Canon – đạo diễn của MV, vì chính họ đã mang đến câu chuyện tuyệt vời này. Hoàng Dũng và team có đưa cho Canon một đề bài rằng trong MV này Dũng muốn nhấn mạnh đến một yếu tố là Thời gian. Cuối tuần là một mốc thời gian, làm việc hay nghỉ ngơi cũng liên quan đến thời gian, hay thậm chí cuộc sống xung quanh ta cũng đang vận hành trên một thước đo là thời gian.
Ba nhân vật được nhắc tới trong câu chuyện “Cuối tuần (1825)” – The Gallery Docent (Hướng dẫn viên bảo tàng – quá khứ), The Cook (Đầu bếp – hiện tại) và The Designer (Nhà thiết kế – tương lai) đều là những người “sử dụng” thời gian trong bối cảnh đất nước Singapore xinh đẹp và phát triển. The Gallery Docent (Hướng dẫn viên bảo tàng) là người chỉ cho những quan khách biết đến vẻ đẹp của quá khứ qua những tác phẩm nghệ thuật lâu đời; The Cook (Đầu bếp – hiện tại) kiểm soát từng tích tắc của hiện tại trôi qua để món ăn của mình hoàn hảo nhất; và The Designer (Nhà thiết kế) là người gửi những giá trị trong cảm hứng của mình đến tương lai, vào chính sản phẩm cho chúng ta sử dụng. Thời gian là một thứ vô hình nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến rất nhiều điều, từ nhỏ nhất như tâm trạng của một người hay to lớn như sự phát triển của cả một cộng đồng. Đó là idea cực kỳ hay và Hoàng Dũng thán phục The Tripod Guys vì đã mang idea đó vào MV “Cuối Tuần (1825)”.
Hoàng Dũng ấp ủ sản phẩm này trong bao lâu ? Anh có thể chia sẻ về quá trình sáng tạo khi lên ý tưởng và phát triển video âm nhạc này không ?
“Cuối Tuần (1825)” được chuẩn bị trong gần một năm, cùng thời điểm khi Hoàng Dũng đang ấp ủ cho một era mới trong hành trình âm nhạc của mình.
Vì sao anh lại chọn Singapore làm bối cảnh cho MV? Có yếu tố nào anh cảm thấy tương đồng với nội dung của “Cuối Tuần (1825)” không ?
Singapore là một đất nước xinh đẹp, và Hoàng Dũng có may mắn được kết nối và tạo điều kiện để sản xuất sản phẩm âm nhạc tại đây. Dũng luôn muốn có cơ hội được sản xuất tại nước ngoài, hơn nữa với câu chuyện “đi trốn” để tìm lại cảm hứng cho những người sáng tạo thì không còn gì hợp hơn nữa vì sự sáng tạo và năng động của đất nước Singapore rất trùng khớp với năng lượng mà Dũng muốn truyền tải qua era nhạc mới.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Singapore của bạn là gì ?
Đó là sự sạch sẽ. Dũng đã nghe nói từ lâu về việc đất nước Singapore sạch như thế nào và người dân tại đây gìn giữ môi trường ra sao, nhưng việc được trải nghiệm trực tiếp đem lại cho Dũng một ấn tượng rất lớn.
Địa điểm hay trải nghiệm nào ở Singapore bạn cảm thấy đặc biệt? Nếu như được chọn 1 điều nhất định phải làm khi đến Singapore, đó là gì ?
Hoàng Dũng ấn tượng với nhiều điều tại Singapore lắm, nhưng nếu để chọn một trải nghiệm đặc biệt nhất Dũng sẽ chọn ArtScience Museum (Bảo tàng Khoa học Nghệ thuật) vì Dũng rất thích được tham quan các triển lãm và thưởng thức nghệ thuật.
Xuân Hòa